Mới bước vào, tôi nghĩ anh chị là vợ chồng, nhưng hóa ra anh chị tìm đến chúng tôi là bởi vì con cái của anh đang ngăn cản tình yêu của hai anh chị, chúng không muốn anh chị kết hôn.
Ảnh minh họa
Anh kể anh ở khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên), có ba con, hai gái, một trai, đều lấy vợ, lấy chồng và ở riêng. Anh góa vợ cách đây 5 năm, khi ấy anh vừa tròn 60 tuổi. Anh còn khỏe, phong độ, hàng ngày tham gia công tác của khu dân cư và trông nom dãy nhà trọ mà anh xây dựng để cho công nhân thuê. Nói chung, anh có chút vốn gửi tiết kiệm ngân hàng, lấy lãi hàng tháng, cộng với tiền cho thuê nhà cũng đủ anh chi tiêu cuộc sống, chưa phải nhờ đến con. Tuy nhiên, cuộc sống đơn chiếc, đôi lúc cũng buồn.
Chị kể rằng chị cũng 53 tuổi rồi, quê ở một huyện xa của tỉnh Thanh Hóa. Chị có hai con, một trai đã đi bộ đội, còn cô con gái đang học lớp 11. Tuy nhiên, chồng chị là người nhác làm, siêng nhậu, gia trưởng, bạo lực, nghiện ngập, lô đề, nên cuộc sống vợ chồng bao nhiêu năm nay không hạnh phúc. Ba năm trước, vợ chồng chị đã ly hôn sau một lần chị bị chồng đánh đập dã man. Để khỏi phải chứng kiến cảnh người chồng cũ lang thang khắp làng nói xấu mình, để có tiền cho con gái học hết cấp ba và để cho cuộc sống dễ thở một chút, hai năm trước chị đã theo một người cùng làng đi làm ăn xa. Chị làm công nhân tại khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên và ở trọ nhà anh. Rồi tình cảm giữa chị và anh chủ nhà nảy nở.
Khi chuyên viên tư vấn hỏi người đàn ông: “Anh nhận ra mình yêu thương và muốn tái hôn với chị ấy từ khi nào?”, thì người đó tâm sự thật: “Nói thật với anh, hồi bà nhà tôi mất, tôi không bao giờ nghĩ mình lấy vợ khác. Một mặt cũng có tuổi rồi, con cái cũng lớn, cháu nội ngoại cũng đủ. Nhưng khi thấy hoàn cảnh của cô ấy, ban đầu tôi thấy thương. Một người phụ nữ thôn quê, trắng trẻo, xinh đẹp, vất vả thế mà vẫn tươi tắn, vậy mà lận đận trong cuộc sống tình duyên. Vì thương cô ấy, tôi miễn giảm tiền thuê nhà cho cô, mỗi tháng lấy vài trăm “gọi là có”. Cô ấy đi làm ca, tôi ở nhà rảnh rỗi, đôi khi đặt cơm dư luôn cho cô ấy về ăn cùng, cho nó vui, chứ bây giờ ăn uống có tốn kém bao nhiêu đâu. Thấy tôi cứ cho ăn, giảm tiền nhà, cô ấy cũng ngại, lại thu dọn nhà cửa, giặt giũ chăn chiếu, quần áo cho tôi, coi như “đổi công”. Cứ vậy, tôi thấy cuộc sống có hai người thật ấm áp, đơn giản và hạnh phúc. Tình cảm nảy sinh dần dần, tôi muốn chúng tôi về chung một nhà, sẽ thuận lợi cho cả hai”.
Ảnh minh họa
Quay sang hỏi chuyện người phụ nữ, tôi muốn biết tại sao các con anh ấy lại ngăn cản mối quan hệ của bố mình với chị và chúng đã làm những gì để phản đối. Chị kể: “Em thương anh ấy thật lòng vì anh ấy tử tế, thương em, khác xa với người chồng cũ của em. Khi anh ấy nói với các con anh ấy về chuyện muốn lấy em, chúng im lặng, không phản đối gì. Nhưng hôm sau cả ba đứa chúng đón em ở cổng công ty, nơi em làm công nhân, kéo em ra quán, bảo rằng muốn nói chuyện với em. Chúng nói thẳng chúng không tin bố chúng và em có tình cảm nghiêm túc. Chúng nói do em “đào mỏ”, lợi dụng bố chúng để được ăn, được ở không phải thuê tiền trọ. Chúng còn nói em giả vờ yêu bố chúng vì em biết bố chúng có 3 quyển sổ tiết kiệm có trị giá lớn, là tiền cả đời tích cóp của bố và mẹ chúng. Chúng cũng nói rằng cái nhà hiện nay của bố chúng sẽ rất được giá khi thị trấn này được lên thị xã, đây cũng là món quà mà bố mẹ chúng để lại cho các con. Nếu bố chúng mà lấy em thì có nghĩa là em cũng có phần trong đó, đặc biệt, nếu bố chúng già cả, lú lẫn, biết đâu còn bị em lừa, chiếm đoạt cái nhà ấy thì sao? Nói chung, chúng bảo kiên quyết không để em lừa. Chúng nói, nếu có tình cảm với bố chúng thì “cứ thế mà ở” với nhau, được ngày nào hay ngày ấy...”.
Trao đổi với anh chị, chúng tôi giúp anh chị nhận thấy rằng phản ứng của các con của anh không phải là “quá đáng”. Chúng không ăn nói thô tục, không nặng lời quá mức với bố và bạn gái của bố. Chúng có quyền nghi ngờ động cơ tình cảm của hai người, đặc biệt của người phụ nữ, bởi trong thực tế xã hội, không phải không có những vụ “tình yêu không trong sáng”. Không hiếm gặp những bác đàn ông đã có tuổi, rất vững vàng trong cuộc sống, trong làm ăn kinh doanh, nhưng khi có tuổi, lại bị “trắng tay” vì dính tới vụ ái tình vụ lợi. Trong khi trò chuyện, người phụ nữ liên tục cắt lời chuyên gia tư vấn, thề sống thề chết rằng chị không hề nghĩ đến tiền bạc, thậm chí chị còn không biết anh có bao nhiêu tiền. Chị nói rằng chị là người vất vả, khổ sở cả đời vì lấy phải người chồng không ra gì, nay có tuổi rồi mà vẫn chưa được yên thân, vẫn phải tha phương kiếm sống, kiếm tiền cho con ăn học. Khi gặp anh, sự quan tâm, lo lắng, xót thương của anh khiến chị cảm động.
Cán bộ tư vấn hỏi cả hai: “Anh chị nhất định phải kết hôn đàng hoàng, chứ không chấp nhận thương nhau thì “cứ thế mà sống” theo gợi ý của các cháu nhà anh à?”.
- Đúng ạ - anh là người trả lời trước – Tôi muốn đến với nhau đàng hoàng, không phải chuyện cặp bồ, cặp bịch. Dù sao tôi cũng là anh cán bộ địa phương, từ trước đến nay sống gương mẫu, con cái có ăn có học, có vợ chồng con cái và nghề nghiệp đàng hoàng.
- Vâng, anh ấy nói đúng – Em không phải là người phụ nữ dễ dãi, em sống đàng hoàng, có trách nhiệm, em cũng còn các con đang học, đang lớn. Em và anh ấy mà sống kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng”, em còn mặt mũi nào nhìn họ hàng, làng nước và các con em nữa.
Ảnh minh họa
Nghe hai người, một ngoài sau mươi, một ngoại ngũ tuần đều đồng thanh nói về một mối quan hệ chân chính, đàng hoàng và mong muốn có một cái kết tốt đẹp, chúng tôi rất cảm động. Tuy nhiên, chúng tôi không phải là người ngồi khen mối quan hệ của họ tốt đẹp ra sao, mà phải giúp họ cởi bỏ những vướng mắc, ngăn trở để cuộc tình của họ được bền lâu, hôn nhân của họ hạnh phúc. Chính vì thế, chuyên viên tư vấn hỏi người phụ nữ câu cuối cùng:
- Chị hãy nói thật nhé – Nếu anh ấy chỉ có một gian nhà nhỏ, không có tiền dư giả, hàng tháng thu nhập cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, cũng chỉ vài năm nữa anh ấy sẽ già hơn, yếu hơn bây giờ, chị có quyết tâm đến với anh ấy không?
- Thế nghĩa là sao ạ? – chị vội hỏi lại cán bộ tư vấn.
- Đơn giản thế này – cán bộ tư vấn nói với cả hai anh chị - Mấu chốt vấn đề là các con của anh ngăn cản cuộc hôn nhân của anh chị, vì chúng không tin anh chị yêu thương nhau thật, chúng nghi ngờ chị yêu vì tiền, vì của cải. Vậy nếu đúng là anh chị đến với nhau vô tư, không vụ lợi, hãy làm các cháu yên lòng bằng việc chứng minh đi. Số tiền mặt mà anh có hiện nay là công sức của cả anh và người vợ quá cố, hãy để là tài sản riêng của anh, không nhập vào của chung khi anh chị lấy nhau. Cái nhà và tài sản đi kèm hiện nay, anh còn khỏe, còn minh mẫn, cứ làm văn bản di chúc, rằng nếu một mai anh “về già”, số tài sản ấy sẽ được chia bốn phần, một phần cho người vợ mới, ba phần còn lại của ba người con. Anh chị cũng có thể tách một phần căn nhà hiện anh đang ở và kinh doanh thành một phần đủ để anh chị sinh sống, tách thành sổ riêng của anh và chị. Phần còn lại, anh chia cho các con. Anh chị làm điều này khi công khai trò chuyện với các con, nói rõ ý định sẽ làm, các con sẽ nhận ra rằng chị không có ý định len chân vào gia đình anh để chiếm đoạt tài sản. Các cháu sẽ nhận ra tình cảm thật của ông bà, sẽ ủng hộ ông bà…
Trong trường hợp các con kiên quyết không chấp nhận bất cứ phương án nào, anh chị hãy sống theo đúng nguyện vọng của mình và pháp luật của Nhà nước. Cuộc hôn nhân của anh chị là tự nguyện, không nằm trong những trường hợp bị cấm kết hôn, anh chị sẽ được Luật Hôn nhân & Gia đình bảo vệ. Nhưng hy vọng anh chị sẽ nhận được sự đồng thuận của các con anh, không phải sử dụng đến “quyền tự quyết” của chính mình.
Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN