Thay vì bỏ đi, các tờ lịch cũ hay đoạn dây nhựa nhiều màu sắc được hội viên phụ nữ tại quận Ba Đình và Tây Hồ tận dụng để biến thành những chiếc túi, chiếc làn đựng thực phẩm khi đi chợ. Việc làm ý nghĩa của các cơ sở Hội đã góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa lớn thải ra môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên phụ nữ và nhân dân về tác hại của rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa dùng một lần để chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, bảo vệ hành tinh xanh.
Món quà sáng tạo và ý nghĩa của Chi hội số 2
Vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay các dịp lễ lớn trong năm, hội viên Chi hội Phụ nữ số 2 phường Xuân La được nhận món quà có ý nghĩa, đó chính là những chiếc làn nhựa do chị em trong Chi hội tự làm. Chiếc làn nhựa của Chi hội số 2 rất đặc biệt: Không sản xuất đại trà theo dây chuyển máy móc công nghiệp mà được đan bằng tay, tận dụng các loại dây, đai kiện buộc hàng bỏ đi. Chị Nguyễn Thị Thúy Ái - Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân La cho biết: Trước đó, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, chị em ở Chi hội số 5 đã biết cách đan dây nhựa buộc hàng để tạo thành những chiếc làn nhựa xinh xắn, nhiều màu sắc và có độ bền cao, sử dụng lâu dài do dây nhựa dai, chắc. Dây nhựa làm làn cũng không phải do Chi hội bỏ kinh phí mua nguyên liệu, chủ yếu do chị em tìm kiếm, thu gom từ các cơ sở kinh doanh, vệ sinh sạch sẽ qua các khâu: ngâm giặt, phơi khô, cắt bỏ những đoạn xơ, gãy, hỏng; chỉ giữ lại những đoạn dây thẳng, nguyên vẹn, chị em phối màu đan xen để tạo ra chiếc làn độc đáo và sáng tạo, góp phần đưa việc sử dụng làn nhựa đi chợ thành nét đẹp trong văn hoá ứng xử với môi trường của chị em Chi hội số 5.
Các hội viên Chi hội số 2, Hội LHPN phường Xuân La, quận Tây Hồ đan làn nhựa
Từ thành công của Chi hội số 5, được sự chỉ đạo của Hội LHPN Hà Nội, mô hình điểm “Chi hội Phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ” tiếp tục được nhân rộng và triển khai tại Chi hội phụ nữ số 2 trên địa bàn phường Xuân La từ tháng 10/2019 nhằm hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đến nay, sau nửa năm triển khai thí điểm, các mô hình trên bước đầu đã phát huy hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Thúy Ái, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết thêm: để triển khai mô hình điểm, Hội LHPN phường đã thành lập Ban chủ nhiệm gồm 15 chị; xây dựng quy chế, chương trình hoạt động tổ chức buổi tọa đàm để các thành viên bàn giải pháp thực hiện, phân công trách nhiệm cũng như mời các chị em có kinh nghiệm đan làn ở Chi hội 5 hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật đan làn.
Với nguồn nguyên liệu sẵn có, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, chính quyền và khu dân cư, các chị trong Chi hội được bố trí phòng đan làn rộng rãi. Quây quần bên nhau thực hiện sản phẩm thủ công “handmade”, các chị rất phấn khởi. Để biến những sợi dây cứng thành chiếc làn đi chợ, không chỉ dừng lại ở yêu cầu kỹ thuật mà cần tinh thần trách nhiệm, tâm huyết; đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của những người thực hiện. Thời gian đầu triển khai mô hình, do chưa quen nên có chị em mất 1-2 ngày mới đan xong một chiếc làn, các góc gấp còn chưa thật “nuột” và vuông vắn nhưng ai nấy đều vui mừng với sản phẩm của mình. “Trăm hay không bằng tay quen”, chịu khó thực hành sẽ làm chủ được kỹ thuật đan, những chiếc làn vì thế ngày càng hoàn thiện hơn về hình dáng, mẫu mã đến cách thức phối màu. Từ sự sáng tạo và thẩm mỹ của mỗi người, mỗi chiếc làn là sản phẩm riêng biệt, khác với việc cho “ra lò” đồng loạt như sản xuất công nghiệp.
Cùng với việc thực hiện các mô hình điểm do Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo, thời gian qua các cơ sở Hội trên địa bàn TP đã thực hiện nhiều cách làm hay để giảm thiểu rác thải nhựa như: Sử dụng đồ tái chế trồng cây xanh, sử dụng bao bì thân thiện để bao gói thực phẩm, biến rác thải thành nguồn quỹ hỗ trợ PN khó khăn. Mới đây nhất, trong đợt dịch bệnh Covid-19, một số cơ sở Hội đã sử dụng túi giấy để đựng nhu yếu phẩm hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trên những bao bì thân thiện với môi trường, chị em đã vẽ hình trái tim, gửi gắm tình yêu thương, tiếp thêm động lực để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.
Sản phẩm hoàn thành được Chi hội trao tặng cho các hội viên trong 3 đợt (dịp 20/10, 8/3 và mới đây nhất là dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Bác Hồ). Đã có 95 chiếc làn được tặng các hội viên. Hình ảnh chị em phụ nữ sử dụng làn nhựa đi chợ đã được nhân rộng trên địa bàn phường Xuân La và nhận được sự phản hồi tích cực của các bà nội trợ. Tính toán một cách cơ học, mỗi chị em sử dụng làn nhựa đựng rau xanh, hoa quả… thay cho việc sử dụng 2-3 chiếc túi ni-lông mỗi ngày là đã tiết kiệm được số lượng lớn túi ni-lông, góp phần hạn chế xả thải rác thải nhựa khó phân huỷ ra môi trường. Chiếc làn nhựa của phụ nữ Xuân La tưởng chừng rất nhỏ bé nhưng mang giá trị tuyên truyền lớn, gửi gắm thông điệp: Hành động nhỏ mang theo ý nghĩa lớn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa cũng như xây dựng và hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường của hội viên.
“Ngành hàng nói không với túi ni-lông”
Chợ dân sinh là nơi tiêu thụ túi ni-lông với số lượng lớn. Tại chợ, hình ảnh người dân tay xách theo năm bảy túi ni-lông đựng thực phẩm cũng quen thuộc. Vì thế, để giảm thiểu túi ni-lông khó tiêu huỷ không thể không triển khai hoạt động phong trào chống rác thải nhựa tại chợ dân sinh. Cùng với việc triển khai mô hình điểm tại khu dân cư, mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi ni-lông” được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo thực hiện tại tổ ngành hàng khô, Chi hội phụ nữ chợ Ngọc Hà thuộc Chi hội phụ nữ chợ số 3 phường Ngọc Hà, quận Ba Đình với sự tham gia của 16 hộ kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh đã ký cam kết và thực hiện nghiêm túc sử dụng túi giấy, sản phẩm thân thiện khi bao gói sản phẩm cho khách hàng.
Những túi giấy đựng hàng được các cấp Hội gửi tặng gia đình hội viên khó khăn do dịch bệnh Covid-19
Chị Đinh Thị Phương Liên – Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình chia sẻ: Để mô hình đi vào hoạt động, Hội LHPN quận đề nghị mỗi phường thành lập 1 nhóm hội viên, phụ nữ nòng cốt thực hiện thu gom giấy và gấp thành túi hỗ trợ cho mô hình. Đã có hơn 7.500 túi giấy được các cơ sở Hội trên địa bàn quận hoàn thành và chuyển về Quận Hội để gửi đến các hộ kinh doanh ngành hàng khô tại chợ Ngọc Hà. Trong đó, cán bộ hội viên phường Thành Công, từ những tờ lịch hay tờ giấy loại hàng ngày được chị em giữ cẩn thận, phẳng phui để tái sử dụng: gấp túi đựng thực phẩm; sau một thời gian hưởng ứng, phường Thành Công hoàn thành 1.800 túi. Bên cạnh mô hình gấp túi giấy, Hội LHPN quận xây dựng 01 nhóm phụ nữ (gồm 5 hội viên) may túi vải, túi bạt thân thiện với môi trường từ những tấm biển quảng cáo đã hết thời gian sử dụng. Tất cả những sản phẩm này được gửi đến chợ Ngọc Hà như “số vốn” ban đầu, tiếp sức cho các chị em tiên phong thực hiện việc khó: Thay đổi thói quen lạm dụng túi ni-lông để thích nghi dần với việc sử dụng túi thân thiện môi trường - hành vi đẹp và có ích cho cộng đồng.
Vừa bán hàng vừa thuyết phục khách hàng thay đổi thói quen, kết hợp tuyên truyền chống rác thải nhựa là những phần việc chị em kinh doanh ngành hàng khô tại chợ Ngọc Hà đã thực hiện trong suốt nửa năm qua. Tuy không phải không có những khó khăn nhất định do một số hàng khô trọng lượng lớn, việc sử dụng túi giấy dễ bị bục, không chắc chắn trong quá trình di chuyển, một số khách hàng e ngại, có tâm lý xin thêm một chiếc túi ni lông bọc ngoài… khiến cho việc triển khai mô hình cần tiếp tục được đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi cũng như đầu tư hơn cho việc làm túi giấy, có thể thay đổi chất liệu giấy có độ dai, bổ sung thêm quai xách…
VIỆT BÁCH