Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam:

Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam qua các phong trào thi đua yêu nước

Trong thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội phụ nữ cả nước đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương và đất nước. Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam về sự đổi mới của các phong trào thi đua yêu nước của HPN các cấp.

Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam.
	Ảnh: Nguyễn ThựcBà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thực

Đổi mới về cả nội dung, phương thức thực hiện các phong trào thi đua

- Thưa bà, thời gian vừa qua, công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội Phụ nữ có nhiều đổi mới. Theo bà, sự đổi mới ấy được thể hiện ở những mặt nào? Đặc biệt với các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội LHPN Việt Nam phát động?

- Nhận thức sâu sắc quan điểm thi đua yêu nước là sự nghiệp của quần chúng, là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân; phát động các phong trào thi đua yêu nước là một biện pháp nhằm cổ vũ, thổi bùng phong trào tự giác cách mạng, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng, thúc đẩy năng lực sáng tạo, phát huy tài năng, sức mạnh của quần chúng, phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước, trong quá trình hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã hết sức coi trọng việc tập hợp, tổ chức, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Trong những năm qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động đã tạo không khí thi đua sổi nổi trong các cấp Hội, các tầng lớp phụ nữ, khuyến khích cán bộ hội viên, phụ nữ tích cực học tập, nâng cao trình độ, hăng hái lao động, sản xuất và công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Sự đổi mới được thể hiện ở nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội luôn gắn kết với phong trào thi đua của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và nhằm giải quyết những vấn đề thiết thân của phụ nữ. Phân cấp tổ chức thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động đã phát huy tính chủ động, sáng tạo của Hội LHPN tỉnh/thành, đơn vị. Đổi mới cách thức đánh giá thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động thông qua đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và các điển hình tiên tiến.

Trong 5 năm qua, Ban Chấp hành TW Hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và Cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” do Đại hội Phụ nữ toàn quốc phát động gắn với đẩy mạnh học học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị; thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Việc triển khai thực hiện phong trào thi đua và hai cuộc vận động đã được các cấp Hội đổi mới về cả nội dung, phương thức thực hiện. TW Hội xác định nội dung thi đua, chủ đề thi đua gắn với nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

- Theo bà, hạn chế của phong trào thi đua yêu nước mà Hội LHPN các cấp thực hiện trong thời gian qua là gì và nguyên nhân từ đâu?

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua thời gian qua vẫn còn một số hạn chế đó là: Chất lượng phong trào thi đua, cuộc vận động chưa cao, phong trào chưa đồng đều giữa các vùng, miền, đối tượng phụ nữ. Hội chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu, phù hợp đưa phong trào thi đua yêu nước thực sự trở thành động lực để động viên, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, sự đóng góp của phụ nữ. Công tác phát hiện nhân tố mới, xây dựng, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời, chưa lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp phụ nữ. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” tuy đã triển khai qua nhiều nhiệm kỳ nhưng việc cụ thể hóa nội dung thi đua và phương thức triển khai, đánh giá ở các cấp Hội ở một số nơi chưa gắn chặt chẽ với các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Nguyên nhân cơ bản của các hạn chế trên là do công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân và vai trò của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của thi đua nên chưa coi trọng vai trò của thi đua yêu nước; chưa thấy hết vai trò của phụ nữ trong phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động chưa thường xuyên, quyết liệt.

Do định kiến giới, những hạn chế về nhận thức, khó khăn về kinh tế khiến một bộ phận phụ nữ chưa ý thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, còn tự ti, an phận, ngại phấn đấu, chưa tích cực trong hưởng ứng,thực hiện phong trào thi đua.Công tác thi đua, khen thưởng của Hội chưa thực sự bắt kịp với nhu cầu ngày càng đa dạng của phụ nữ và yêu cầu phát triển, hội nhập sâu rộng của đất nước; năng lực cán bộ làm công tác thi đua – khen thưởng còn hạn chế.

- Theo bà, để các phong trào thi đua của Hội LHPN VN ngày càng có chất lượng và lan tỏa hơn trong thời gian tới thì cần có những giải pháp nào?

- Từ kết quả đạt được, những hạn chế và thực tiễn quá trình chỉ đạo phong trào trong thời gian qua, để phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam, nuôi dưỡng và phát triển phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, các cấp Hội cần tập trung một số giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cả hệ thống Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi công dân và vai trò, ý nghĩa của thi đua yêu nước đối với sự phát triển của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, xã hội, để tự giác tham gia tích cực các phong trào thi đua của đất nước, của Hội.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ vì lợi ích của phụ nữ, thực hiện nghiêm túc việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; tăng cường phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng biểu dương, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến.

Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
Đề nghị các cấp ủy Đảng lãnh đạo thực hiện có hiệu quả thiết thực việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu các tổ chức, các cấp, các ngành trong thực hiện chủ trương, pháp luật, trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đạo đức lối sống, để cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương cho quần chúng nhân dân noi theo trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước.

Phong trào thi đua của phụ nữ Hà Nội có nét riêng của phụ nữ Thủ đô

- Bà đánh giá thế nào về chất lượng của các phong trào thi đua mà Hội LHPN TP Hà Nội đã và đang thực hiện trong 5 năm qua?

- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta rất tự hào về truyền thống vẻ vang của phụ nữ Thủ đô, nơi khởi nguồn phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" cách đây 55 năm về trước. Ở thời kỳ đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã rất gương mẫu đi đầu trong các cuộc vận động các tầng lớp phụ nữ mọi ngành, mọi nghề, mọi lứa tuổi, tích cực thi đua, đảm đang trong công tác, trong lao động sản xuất để thay thế cho nam giới đi chiến đấu, đảm đang công việc gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu, đồng thời đảm đang phục vụ chiến đấu và chiến đấu rất dũng cảm ngoan cường. Từ thực tiễn phong trào thi đua "Ba đảm đang" ở Hà Nội đã có hàng vạn phụ nữ tiêu biểu trong lao động, sản xuất và chiến đấu, đã góp phần tạo nên mốc son chói lọi của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang"- là đỉnh cao của phong trào yêu nước của phụ nữ miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những thành tích đó, phụ nữ Hà Nội đã phát huy vai trò rất to lớn của mình và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước.

Tiếp nối truyền thống Ba đảm đang trong những năm qua, nhất là 5 năm gần đây, Hội LHPN TP Hà Nội đã năng động sáng tạo đổi mới nội dung phương thức hoạt động. Nhất là đổi mới công tác thi đua khen thưởng, sáng tạo tổ chức phong trào thi đua, các cuộc vận động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng thiết thực của phụ nữ. Đặc biệt là phong trào thi đua của phụ nữ Hà Nội có nét riêng của phụ nữ Thủ đô. Tiêu biểu như “Phong trào thi đua phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”. Hay, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”..., rất nhiều các mô hình được nhân rộng lan tỏa trong thành phố. Đặc biệt là các mô hình mới hướng tới các đối tượng phụ nữ nhập cư, công nhân lao động.

Trong thành tích chung của phụ nữ cả nước, Hội LHPN TP Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Với thành tích trong 5 năm gần đây thì 3 năm được Đoàn chủ tịch TW Hội LHPN VN tặng Cờ thi đua, năm 2017 được nhận Cờ của Chính phủ và nhiều bằng khen khác.

Theo bà nguyên nhân nào để Hội LHPN Hà Nội có được những thành tựu ấy?
Nguyên nhân từ truyền thống rất tốt đẹp của phụ nữ Thủ đô, xuất phát từ ý thức, tinh thần, trách nhiệm, ý thức xây dựng, bản chất tốt đẹp của người công dân Thủ đô. Họ phải xứng đáng với nơi dẫn đầu của phụ nữ cả nước và trái tim của cả nước. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp của phụ nữ Hà Nội rất năng động, sáng tạo tận tụy với phong trào. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố các hoạt động các hoạt động phong trào thi đua của phụ nữ ngày càng đạt được các kết quả rất đáng phấn khởi.

Trong thời gian tới, tôi mong muốn và tin tưởng Hội LHPN thành phố Hà Nội cùng cán bộ, hội viên phụ nữ thành phố tiếp tục chủ động, sáng tạo tổ chức phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhu cầu, khả năng, điều kiện tham gia của chị em và mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ; góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của đất nước; xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Thủ đô ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

THU HÀ (thực hiện)  

Bạn đang đọc bài viết Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam qua các phong trào thi đua yêu nước tại chuyên mục Công tác đội của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]