Thẩm mỹ đô thị: Đừng để sự đã rồi!

Câu chuyện sơn xanh sơn đỏ nhóm 17 bức tượng và phù điêu trong không gian công viên Thống Nhất (Hà Nội) dù đã khép lại nhưng đằng sau câu chuyện này đặt ra những vấn đề về thẩm mỹ đô thị. Bởi việc thiếu định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian văn hóa, nghệ thuật công cộng không phải lần đầu tiên diễn ra ở Thủ đô.

Những bức tượng trong công viên Thống Nhất được tô màu sặc sỡ gây tranh cãi thời gian vừa quaNhững bức tượng trong công viên Thống Nhất được tô màu sặc sỡ gây tranh cãi thời gian vừa qua

“Khoảng trống” về thẩm mỹ đô thị

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, vụ việc không thể chấp nhận ở công viên Thống Nhất không phải là ví dụ đầu tiên về tư duy lệch lạc đối với thẩm mỹ đô thị. Giới nghề và công chúng đã nhiều lần phải chứng kiến những vụ việc đáng xấu hổ, nực cười mà trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, nếu không gióng tiếp những hồi chuông cảnh báo thì còn nhiều nữa những ông chủ, doanh nghiệp vẫn tùy tiện thích làm gì thì làm. Đến lúc xấu quá, dư luận bức xúc thì làm lại, cho rằng chuyện chẳng có gì to tát.

Sự việc vừa qua ở công viên Thống Nhất khiến nhiều người sửng sốt là bởi ngay giữa Thủ đô lại xuất hiện một thẩm mỹ đô thị kém thẩm mỹ và lối tư duy, cách ứng xử của nhà quản lý đối với công trình nghệ thuật cũng rất tùy tiện. Không chỉ người dân mà nhiều họa sĩ, giới chuyên môn cũng bức xúc về cách ứng xử tùy tiện đối với những chứng tích thời gian, với những không gian công cộng mà hơn bao giờ hết rất cần phải được tôn trọng để trở nên đẹp đẽ, yên bình.

Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nói: “Việc tô màu lên tượng đã làm nhựa hóa những tác phẩm vốn rất sinh động trong công viên. Thứ nữa, với tượng ngoài trời, màu dịu mắt sẽ khiến người ta có cảm giác thanh bình, yên ổn chứ không phải thứ lóe chóe, không hợp cảnh vật. Việc sơn tượng như thế này làm tầm thường hóa thẩm mỹ công cộng”. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cùng chung quan điểm: “Trong điêu khắc, bê tông là chất liệu nghệ thuật. Tác giả để bê tông không màu là thể hiện chất thô mộc của hình khối. Vì thế, vẻ đẹp khỏe khoắn sẽ mất đi theo cách sơn màu lòe loẹt. Đó là sự tinh tế chứ không phải do ngày trước nghèo mà không có tiền mua sơn…”.

Tầm thường hóa thẩm mỹ công cộng là nhận định chung của nhiều nghệ sĩ trong giới nghệ thuật tạo hình qua những vụ việc tùy hứng như ở công viên Thống Nhất. Tương tự, trước đây dư luận cũng được phen thảng thốt khi liên tiếp xuất hiện trên khắp các đường làng, ngõ xóm, trường học, đâu đâu cũng có bích họa theo kiểu “cây nhà lá vườn”. Con đường đi qua trường THPT Phú Thượng, phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên và bức xúc trước trình độ tay nghề của người thực hiện các bức "bích họa". Tranh tường trên phố Phan Đình Phùng cũng nhen lửa tranh cãi trái chiều khi nhiều người cho rằng việc vẽ tranh đã phá đi cảnh quan vốn có của một trong những con phố cổ đẹp nhất Hà Nội. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc xuất hiện của bức bích họa này bộc lộ một góc độ không ổn trong quản lý các tác phẩm, công trình nghệ thuật nơi công cộng.

Không có chỗ cho sự tùy tiện

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh, tư duy thẩm mỹ đối với các không gian công cộng không có chỗ cho sự tùy tiện. Ở vụ việc tại công viên Thống Nhất, câu hỏi được đặt ra là vì sao trong một không gian công cộng thu hút đông người lại có thể tùy tiện như thế. “Đơn vị quản lý cần phải hỏi ý kiến của các nhà chuyên môn. Phải tìm cách để mà giữ được vẻ đẹp yên ả, trong trẻo như xưa chứ tại sao lại tùy hứng sơn lên màu sắc khủng khiếp đến thế. Lỗi ở đây là do đơn vị quản lý. Họ phải cân nhắc trước khi quyết định một việc mà hệ quả của nó có thể dẫn đến tai tiếng trong dư luận”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật nhắc lại.

Nhưng đáng tiếc là trong khi dư luận không đồng tình với cách làm này thì lãnh đạo Công ty TNHH MTV công viên Thống nhất lại coi như “chuyện chẳng có gì lắm”. Ông Cao Xuân Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty trần tình, đội ngũ thợ của công ty chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ, dùng sơn quét lên tượng cho mới mẻ chứ không ai có chuyên môn mỹ thuật gì. “Trước sự phản ứng của dư luận, chỉ ngay sau một hai ngày, công viên Thống nhất đã phải vội vàng trả lại nguyên trạng ban đầu cho các bức tượng.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn vẫn nhớ mãi về công trình quả địa cầu khổng lồ với bản đồ Việt Nam được sơn đỏ chót và một con chim bồ câu trắng đậu bên trên được đặt ở đền Ngọc Sơn nhân đại lễ Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. Hội Mỹ thuật Việt Nam đã góp ý ròng rã và sau đó công trình này cũng đã được dỡ bỏ. Không chỉ có vậy, công chúng đã nhiều lần có ý kiến về cách tạo hình các nhóm cây hình con giống, tạo khối trang trí nơi công cộng, tạo hình và màu cho các chùm đèn trang trí… Sự tiết chế màu sắc cần thiết có định hướng chuẩn mực trong bối cảnh đường phố của Hà Nội hay các đô thị đã rất nhiều chi tiết và màu sắc rực rỡ.

Làm đẹp không gian công cộng mà thiếu vắng bàn tay, góc nhìn của các họa sĩ, nhà kiến trúc sẽ khiến cho các tác phẩm dù được làm nên với mục đích tốt, cuối cùng cũng vẫn gợi lên những băn khoăn. Những sự việc đáng tiếc cho thấy, thẩm mỹ đô thị ở Việt Nam hiện nay đang rất có vấn đề và cần sự vào cuộc của các chuyên gia được đào tạo bài bản. Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chúng ta rất cần những định hướng về tư duy và cách ứng xử đúng mực đối với những không gian công cộng. Bởi cứ để sai rồi sửa sai thì sẽ rất khó khăn.

THẢO PHƯƠNG

 

Bạn đang đọc bài viết Thẩm mỹ đô thị: Đừng để sự đã rồi! tại chuyên mục Tổng phụ trách giỏi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]