Ông cháu đổi vai

Ngày xưa, ông là người chăm sóc, nuôi cháu lớn. Giờ ông già, đến lượt cháu lại… đổi vai, làm chỗ dựa cho ông.

Ông nuôi cháu từ lúc cháu mới bi bô tập nói. Bố mẹ cháu lên vùng cao làm kinh tế mới, gửi lại con nhờ ông nuôi nấng. Hồi đó, ông hãy còn khỏe, nhưng lại chẳng có kinh nghiệm “làm ông trẻ con”. Chẳng là ông cũng xa nhà từ lúc trẻ, con cái sinh ra đều do mình tay bà lo. Một năm đôi lần được về thăm nhà, ông lại thấy con lớn thêm một chút. Ngay cả khi con kết hôn, ông cũng chỉ đóng vai “khách mời”. Ông về hôm trước thì hôm sau đi đón dâu. Mọi việc chuẩn bị cho việc hệ trọng cả đời của con cũng lại do bà lo liệu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy mà khi về già, ông lại bắt tay học cách nuôi một đứa trẻ còn trứng nước. Sau khi bà qua đời, cuộc sống đơn thân của ông cực kỳ đơn giản, ăn qua bữa, ngả đâu cũng là giường. Nhưng, từ ngày có cháu, ông lúc nào cũng lụi hụi món nọ món kia. Thời đó đồ ăn thức uống, thực phẩm không sẵn có như bây giờ. Tận dụng mảnh vườn đằng trước, ông trồng mấy chục loại rau nên bữa nào cũng có rau sạch cho cháu. Ông dựng chuồng nuôi gà đẻ trứng, chim bồ câu, con nào lớn chút là ông làm thịt cũng để bồi dưỡng cháu. Nhưng, cực nhất là lúc cháu ốm sốt, đôi cánh tay già nua, vốn chỉ quen với máy móc lại dẻo dai bế cháu dỗ dành. Cứ tưởng gà trống nuôi con vụng về, hóa ra, cách chăm cháu của ông cũng khéo léo, cầu kỳ lắm. Ông học các bà các mẹ giã lá cỏ nhọ nồi cho cháu uống hạ sốt, hấp húng chanh mật ong cho cháu trị ho, đun nước cỏ mần trầu bồ kết để cháu gội đầu… Chẳng thế mà, tới tận khi vào học cấp 2, cháu gần như chưa phải dùng tới viên thuốc kháng sinh nào.

Làm ông trẻ con, ông cũng phải quen với tính mè nheo, nhõng nhẽo, hay ăn vạ của cháu. Ông chiều cháu đấy nhưng cũng rất nghiêm khắc, chỉ bảo cho cháu từng nết ăn, nết ở. Cũng vì thế mà dấu ấn của ông với cháu rất sâu đậm. Sau này, kể cả khi đã đã được bố mẹ đón về, ông vẫn cứ như người cha lớn không thể thay thế của cháu.

Rồi theo năm tháng, cháu trưởng thành dần. Cháu chững chạc, hiểu chuyện, không còn cần ông phải chăm sóc, nuôi nấng nữa. Nhưng, lại đến lượt ông bắt đầu đổi tính. Ông tự nhiên lại hóa trẻ con, nhớ đấy mà lại quên đấy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mọi người bảo ông giờ khó chiều lắm. Chỉ cần con cháu có chút gì không vừa ý là ông giận dỗi, bỏ cơm, chẳng trò chuyện với ai. Cháu đi công tác vắng nhà mấy ngày, lúc trở về, thể nào cũng bị ông mắng về cái tội “bỏ rơi người già”. Nhưng khi cháu đưa ông chút quà, nói mấy lời vỗ về ngon ngọt là ông lại cười tươi, như thể đứa trẻ lên ba mới đón mẹ đi chợ về.

Là bởi ông đã già, không còn minh mẫn như trước. Ông lúc nào cũng sợ mình là người thừa của gia đình. Cháu biết vậy nên cũng chẳng giận ông bao giờ. Thay vào đó, cháu “đóng vai người lớn”, chiều chuộng, chăm sóc ông như cách mà hồi xưa ông chăm sóc cháu lúc còn nhỏ dại.

Ngày trước, ông là người dắt cháu đi chơi. Bây giờ, cháu lại thành cây ba toong để ông vịn vào. Khi ông cần người trò chuyện những câu chuyện không đầu không đuôi, cháu kiên nhẫn ngồi nghe, tán thưởng gật gù như ngày xưa, ông chịu khó nghe cháu tập nói. Cháu vỗ tay hoan hô, khen ông đẹp trai lúc mặc cho ông chiếc áo sơ mi mới. Ông cười sung sướng, hệt như lúc cháu nhỏ, chỉ thích được mọi người khen xinh. Đến bữa, cháu lại là người xúc cho ông ăn, nhớ lại những ngày ông cặm cụi bón, mớm cho cháu từng thìa cháo.

Cháu biết những ngày tháng cháu và ông được ở bên nhau đang ngắn lại dần. Âu cũng là quy luật của cuộc sống, sinh lão bệnh tử không ai tránh được. Cháu chỉ tâm niệm rằng, ngày xưa, ông là điểm tựa để cháu lớn lên. Và giờ, cháu sẽ là bờ vai để ông tựa vào, an yên những tháng năm cuối của cuộc đời.

THÁI ANH

Bạn đang đọc bài viết Ông cháu đổi vai tại chuyên mục Phong trào thiếu nhi của Nguoiphutrach.vn. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: 0913533992 hoặc gửi về hòm thư [email protected]